Mực khô bị mốc có ăn được không?

mực khô phơi trên sào ngoài nắngMực khô bị mốc có ăn được không?

Mực khô vốn là món thực phẩm chế biến sẵn từ lâu được nhiều người yêu thích. Bất cứ ai đi nghỉ mát ở biển Việt Nam thì không thế không mua những gói mực khô thơm ngon về ăn dần hoặc mang đi biếu tặng. Tuy phổ biến nhưng vẫn có nhiều người còn có băn khoăn trong cách bảo quản mực khô mà câu hỏi thường gặp nhất là :mực khô bị mốc có ăn được không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Mực khô là gì?

Trước hết, để nắm được cách bảo quản mực khô cho đúng, chúng ta cần hiểu rõ mực khô là gì. Mực khô hay còn gọi là khô mực, là một chế phẩm được làm khô với thành phần chính là cá mực biển. Những con mực tươi rói, sau khi đánh bắt sẽ được những người dân rửa sạch rồi loại bỏ các bộ phận thừa như nội tạng, nang mực và chỉ giữ lại đầu cùng thân mực. Hai bộ phận này sau đó được rửa lại bằng nước muối biển để khi khô có hương vị đậm đà rồi được làm khô theo hai phương pháp là sấy hoặc phơi khô tự nhiên.

Mực được phơi đạt đến độ khô hoàn hảo thì mới được gọi là một sản phẩm khô mực chất lượng. Khô mực ngon phải có mùi thơm đặc trưng, lớp vỏ ngoài khô ráo, khi sờ không dính ướt ở tay nhưng khi ấn lại cảm thấy hơi mềm. 

Thời gian phơi để đạt đến độ khô này sẽ phụ thuộc vào loại mực, kích thước mực và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, thông thường bạn chỉ cần phơi từ 3 đến 4 nắng là đã thu được một sản phẩm mực khô đạt tiêu chuẩn.

con mực khô xếp cạnh nhau trên rổ

Mực khô được đánh giá là một loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng tương đối cao

Mực khô được đánh giá là một loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tương đối cao với tổng giá trị năng lượng lên đến 219 kcal/100g. Bên cạnh đó, ở 100g khô mực, người ta còn tìm thấy một số các thành phần dinh dưỡng có thể kể đến: 32,6g nước, 60,1g chất đạm, 4,5g chất béo, 2,5g chất đường bột, 0g chất xơ. Ngoài ra còn có các vi chất tốt cho sức khỏe như sắt, kẽm, mangan, selen… và cả hormon nam testosterone.

Khô mực như thế nào được coi là bị mốc?

Nhiều người cho rằng, lớp phấn trắng trên thân con mực là dấu hiệu cho thấy khô mực bị mốc. Tuy nhiên, suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, lớp trắng này thực tế là sự kết tinh, cô đọng của muối và các chất khác trong cơ thể mực sau quá trình làm khô nổi lên. Chính vì vậy , những con mực khô có vết phấn trắng không những không bị mốc mà những con có phấn càng dày thì càng là những con mực được làm từ nguyên liệu tươi, thân dày và thịt ngọt.

Những con mực bị coi là đã mốc chỉ khi trên thân mực xuất hiện những chấm tròn màu xanh, đen, nổi từng đám và loang lổ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kiểm tra mùi của miếng mực khô. Nếu có mùi mông mốc, không còn thơm đặc trưng thì tức là khô mực đã nổi ẩm mốc.

mực khô có những chấm xanh, lửa, đĩa đũa gắp mực khô

Những con mực bị coi là đã mốc chỉ khi trên thân mực xuất hiện những chấm tròn màu xanh, đen, nổi từng đám và loang lổ.

Làm gì khi khô mực bị mốc?

Khi nhận thấy khô mực bị mốc do để ẩm lâu ngày, nhiều người vì tiếc hoài của nên thường rửa sạch hết vết mốc xanh rồi đem đi phơi ngoài nắng và cho rằng như vậy thì mực đã được loại bỏ, khử trùng sạch sẽ. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh không đồng tình với điều này. Ông khẳng định:“Thực phẩm đã bị nấm mốc thì dù có cạo rửa sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm hết mốc được. Trong thực phẩm mốc chứa vi nấm có thể gây ung thư gan, tốt nhất bạn không nên sử dụng”.

mực phơi trên giàn phơi quần áo , sân thượng, lan can

“Thực phẩm đã bị nấm mốc thì dù có cạo rửa sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm hết mốc được. “

Vì thế, cách làm này không hiệu quả trong việc khử độc cho mực khô bởi ánh nắng mặt chỉ có chức năng làm khô và hút ẩm chứ không thể khử trùng.

Theo ông, nếu mực không mốc quá nhiều, các vết chấm mốc ít và chỉ tập trung một vài chỗ, bạn vẫn có thể sử dụng sản phẩm bằng cách cắt bỏ những phần đã nấm mốc. Tuy nhiên, nếu vết mốc đã lan nhiều, mực khô bốc mùi mốc thì bạn tốt nhất nên vứt bỏ để tránh gây những tác hại vô cùng tiêu cực cho sức khỏe.

Bảo quản mực khô như thế nào là đúng?

Vậy bảo quản mực khô như thế nào cho đúng để mực vẫn giữ được độ tươi ngon như ban đầu mà không hề có các hiện tượng nấm mốc? Dưới đây sẽ là một số hướng dẫn dành cho bạn.

mực mọt nắng trong gói, để trên khay

Cách bảo quản mực khô

  • Bọc kín sản phẩm mực khô trong giấy báo và túi ni lông rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh với mức nhiệt là -18 độ C
  • Bạn tốt nhất nên sử dụng hết trong vòng 4 tháng
  • Cứ khoảng từ 3 đến 4 tuần 1 lần, mực khô cần được phơi khô dưới nắng để tránh ẩm mốc. Mỗi lần phơi kéo dài từ 15 đến 20 phút.
  • Không bảo quản mực khô với các loại thực phẩm tươi sống
  • Không bảo quản chung mực khô đã chín và chưa chín
  • Không bảo quản chung với các loại sản phẩm khô khác, các loại hải sản không chồng lên nhau.

Ngoài ra, nếu không có tủ lạnh, hoặc không muốn làm đông mực khô trong tủ lạnh, bạn có thể dùng giấy báo gói kín khô mực rồi đem phơi ra nắng liên tục, cứ vài ngày 1 lần. Mực khô để trong tủ đồ cũng cần được xếp lên những nơi cao ráo, thoáng mát, không ẩm ướt.

Trên đây là câu trả lời chi tiết cho nỗi băn khoăn : Mực khô bị mốc có ăn được không của nhiều bà nội trợ. Chúc bạn sẽ có những bữa ăn ngon và vui vẻ bên những người thân yêu.